- 03/25/2017
- Posted by: adminad
- Categories: Học bổng, Sự kiện - Hội Thảo

Những người Mỹ hiểu biết (phần lớn) rất trân trọng lao động. Họ làm việc rất nhiều, tích cực, tuy pha chút bông đùa nhưng sau đó tập trung trở lại công việc rất nhanh chóng. Họ là một trong những người làm việc với thời gian nhiều nhất nhưng lại nghỉ ít nhất trên thế giới (theo số liệu được phát trên kênh truyền hình Mỹ CNN mới đây).
Tôi thấy về thể loại công việc, mỗi người một công việc rõ ràng và chuyên biệt, không rõ hiện tượng coi thường người làm những công việc phổ thông.
Thậm chí, trong gia đình, con cái nhiều người phải tự đi làm thêm để trang trải chi tiêu cho cá nhân. Một ví dụ là con trai của một vị giáo sư y khoa tôi quen đã từng đi làm thêm ở nhà hàng để kiếm tiền. Mặc dù thu nhập của một chuyên gia y tế có trình độ như vị giáo sư ngành y ở Mỹ là tương đối cao. Hay người con (đang học đại học, chuẩn bị sang giai đoạn học về y khoa) của một gia đình người Việt ở bên này hiện đang đi làm thêm ở quầy bán phụ tùng ôtô, như anh kể với tôi rất vui vẻ là “để kiếm tiền xài”.
Ở bên này (Mỹ), tính chuyên nghiệp rất cao. Rất nhiều lĩnh vực, nhiều ý tưởng đã được “khai phá”. Do đó, cơ hội còn lại cho mọi người là gần như ngang nhau. Các nghề nghiệp, công việc được kiểm soát tương đối chặt bằng các luật lệ cụ thể. Những hành động mang tính tiểu xảo, mánh khoé, hay “khôn ngoan” ít có chỗ đứng hơn. Tất nhiên họ có nhiều điều phức tạp khác.
Trong hoàn cảnh đó, chỉ những người thật sự xuất sắc mới có thể vượt lên. Phần lớn còn lại sẽ có một thu nhập có thể chấp nhận được miễn là thường xuyên có việc làm. Họ không coi trọng về việc có biên chế hay không, làm cho nhà nước hay tư nhân, miễn là công việc với đồng lương và chế độ chấp nhận được.
Như vậy là sinh viên (hay thậm chí học viên nói chung), bạn ở một mình trên đất khách quê người, giữa bộn bề các khoản chi tiêu thì bạn sẽ làm gì đây? Hơn nữa, tính tự lập của con người ở những xã hội như ở Mỹ là rất cao và họ đã được rèn luyện từ khi còn nhỏ. Tôi nghĩ, kể cả con của những triệu phú Mỹ, với quan điểm của họ như trên thì nhiều người cũng phải đi làm thêm.
Như trường hợp một bạn sinh viên được nói đến đến trong một bài viết trước trong cùng chủ đề này, bị người chủ phản ứng và xúc phạm đến lòng tự trọng khi giới thiệu chuyên ngành học là “quản trị kinh doanh” trong khi đang tìm việc tại một cơ sở kinh doanh, có lẽ ai cũng rất khó chịu, nhưng tôi thấy nếu người Mỹ gặp phải, có lẽ họ sẽ nói là: “Đó là chuyện cháu học ở trường, ở đây rõ ràng bác là chủ, nếu bác thấy thoải mái nhận cháu làm với tiền công và môi trường làm cháu thấy chấp nhận được thì cháu đồng ý”. Vì họ quan niệm rất rõ ràng, mỗi người có một vị trí, chỗ đứng riêng.
Đi làm thêm khi đang du học học tức là đi thực tế vào cuộc sống. Bạn có cơ hội hoàn thiện ngôn ngữ, biết và học hỏi được về cuộc sống ở các nước khác, đặc biệt các nước phát triển, làm phát sinh nhiều hơn các ý tưởng mới cho bản thân, hiểu biết về văn hoá.
Tôi thấy có lẽ hơi lãng phí nếu chỉ đi học hằng ngày, lên thư viện hoặc về nhà đọc tài liệu, vào internet. Điều đó cũng tốt. Nhưng các bạn trẻ hiện nay tôi thấy họ năng động hơn trước đây, bạn sẽ nghĩ gì khi bạn lại đang học ở Mỹ hay nhiều nước năng động và phát triển khác ?
Có một số điểm tôi thấy tự hào với người Việt cũng như người châu Á nói chung mà tôi được biết ở đây: Người Việt chịu khó làm việc, có trách nhiệm, gắn bó lâu dài với công việc và được người Mỹ đánh giá cao hơn người từ một số nước khác tới (tôi không tiện nói ra cụ thể ở đây). Người Việt nói chung lại tiết kiệm nên nhiều người khi sang đây để lập nghiệp, lúc đầu rất cực khổ và vất vả nhưng từ bàn tay trắng đã đi lên, thậm chí có những khi sở hữu những tài sản tương đối lớn (ví dụ xe hơi tốt) khiến một số người bản địa có sự đố kỵ ở một mức độ nào đó.
Tuy nhiên, tôi không có ý muốn nói các bạn hãy chỉ tập trung đi làm thêm kiếm tiền mà bỏ quên mục đích chính của minh. Các bạn đi làm thêm sẽ hỗ trợ nhiều cho việc chi tiêu để duy trì cuộc sống hàng ngày để học tập tốt hơn, mau trưởng thành hơn, tự lập, tự chủ hơn.
Lần đầu tiên đi làm, lại mới lạ ở nơi đất khách quê người thì hiển nhiên bạn gặp không ít khó khăn và vất vả. Lúc đầu bạn có thể bắt đầu với các công việc đơn giản, khi bạn được học rồi, có kinh nghiệm, có trình độ thì bạn sẽ được chấp nhận làm việc ở các vị trí cao hơn, được trả lương cao hơn (tôi thấy chuyện này ở Mỹ rất rõ ràng).
Mỗi đất nước, mỗi xã hội có mặt tích cực và tiêu cực riêng. Mặc dù tôi thích sống và làm việc ở trong nước nhất vì tôi đã thấy quen thuộc, nhưng nếu thời gian ở Mỹ kéo dài, tôi vẫn sẽ có thể đi làm thêm nếu có cơ hội và khả năng cho phép.