Mỹ là nơi tin cậy để du học sinh rèn luyện

Khi mới sang Mỹ, mang theo văn hóa đối xử của người Việt, mỗi khi bắt chuyện với người Mỹ, thói quen của tôi là nở một nụ cười thật tươi. Nhưng cái tôi đón nhận ngược lại là cái nhìn hơi do dự và đề phòng của người tiếp chuyện. (Hương Giang)

Xin chào các bạn!

Là một người đã định cư tại Mỹ được hơn năm năm, tôi được tạo điều kiện đi học lại. Với nhiều ý kiến khác nhau của các bạn, tôi cũng cảm thấy quan điểm của mình về chuyện du học có chỗ giống, và cũng có chỗ khác với các bạn du học sinh.

Tôi đã lập gia đình và có một con khi bắt đầu đi học trở lại. Tôi khác với các bạn học sinh du học ở điểm này. Điều tôi muốn chia sẻ ở đây là nhận thức của bản thân tôi đối với thói quen sống và quan điểm của người địa phương đối với sinh viên nước ngoài như du học sinh Việt Nam nói riêng và những người “không phải dân bản xứ” Mỹ nói chung.

Khi mới sang Mỹ, mang theo văn hóa đối xử của người Việt, mỗi khi bắt chuyện với người Mỹ, thói quen của tôi là nở một nụ cười thật tươi để bắt đầu câu chuyện. Nhưng cái tôi đón nhận ngược lại là cái nhìn hơi do dự và đề phòng của người tiếp chuyện. Sau này tôi mới hiểu ra nụ cười gây thiện cảm của tôi không hiệu quả vì nó không hợp với văn hóa ứng xử của người Mỹ.

Họ có cảm tình ngay với tôi nếu tôi nói rõ ràng và lịch sự với họ “How are you doing today?” (Hôm nay chị có khỏe không?), thì câu trả lời tôi nhận sẽ là rất lịch sự và sự nhiệt tình từ phía họ. Đây là sự khác biệt về nhận thức văn hóa của người Mỹ đối với người nước ngoài. Họ cũng rất cảm tình, thân thiện, có nhu cầu nhóm họp bè bạn và giao du, nhưng họ bộc lộ nhiều hơn đối với người cùng sở thích văn hóa với họ. Sự khác biệt về bề ngoài như cách ăn mặc, cách thể hiện tình cảm và cách ứng xử. Cho nên chuyện các bạn du học sinh có cảm giác cô đơn lẻ loi cũng là chuyện có thể gặp khi mới đến Mỹ.
Vấn đề của tôi cũng như bao bạn du học sinh khác là gặp khó khăn về ngôn ngữ. Dù vốn tiếng Anh của tôi cũng khá khi sang Mỹ, nhưng tôi cũng bị “dội ra” vì người Mỹ phát âm khác nhiều so với những gì tôi được học và tôi nói ra thì ít người có thể hiểu được. Vậy là tôi quyết định phải đi làm để tìm nơi giao tiếp trau dồi lại khả năng của mình.

Rồi khi tôi có điều kiện đi học lại và tôi nhận ra rằng trường học là nơi lý tưởng nhất để hoàn thiện tiếng Anh của mình. Nhưng đây là vấn đề thời gian và nỗ lực đòi hỏi bản thân tôi phải đối mặt. Tôi đã học được gần bốn năm nhưng so với nhu cầu hòa nhập xã hội và văn hóa, đối với tôi vẫn còn là con đường dài ở phía trước.

Tôi tự tin hơn khi giao tiếp với những người Mỹ mà tôi quen biết và không cảm thấy cô đơn nhiều vì tôi nhận được cảm tình họ dành cho tôi như một người quen lâu ngày. Những người sống quanh tôi, nhiều người Mỹ cũng quan tâm hỏi han và khuyên bảo tôi như một người thân quen. Dù không phải tất cả người Mỹ đều như vậy, nhưng những kinh nghiệm của riêng tôi là không cô đơn khi tôi đã hiểu một phần văn hóa Mỹ.

Điều tôi đồng ý hoàn toàn với các bạn đăng bài về chuyện du học là đất Mỹ là nơi luyện tập cho con người chịu khó hơn, biết quý thời gian, công sức lao động, và làm việc học tập hiệu quả hơn.

Sinh viên đi làm khi có thời gian rảnh rỗi để biết tự lập và quý trọng đồng tiền họ tự làm ra. Thái độ học tập nghiêm túc là một điều đáng chú ý của sinh viên ở đây. Từ sáng sớm bạn có thể thấy các nam nữ sinh viên ngồi tự học đầy trong các thư viện tới khuya. Bản thân tôi cũng phải học lại phương pháp để học tập hiệu quả và nghiêm túc dù tôi đã tốt nghiệp đại học ở trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của mình và muốn nói rằng Mỹ vẫn là địa chỉ tin cậy cho những ai muốn thành công trong học tập và rèn luyện ý chí phấn đấu.